Với lợi thế kinh doanh trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được biết đến với doanh nghiệp sở hữu nhiều khu “đất vàng” tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố lớn khác. Mặc dù “ôm” hàng loạt khu đất giá trị, nhưng những dự án ôm đất vàng của Hapro vẫn “ì ạch” thi công qua nhiều năm mà chưa đến ngày hoàn thành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hapro được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn.
Theo đó, Tổng Công ty đang quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Hiện có 32 địa điểm cơ sở nhà, đất Hapro ký hợp đồng thuê nhà đất với Nhà nước thì không tính giá trị tài sản trên đất và đất thuê vào giá trị doanh nghiệp, phần diện tích Hapro xây dựng thêm được xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Có 64 địa điểm có tài sản nhà là tài sản của doanh nghiệp, đất thuê của Nhà nước. Còn 63 cơ sở nhà, đất còn lại Hapro sẽ phải tiến hành đánh giá lại tài sản trên đất để xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với Tổng Cty Thương mại Hà Nội. Theo đó, gần 76 triệu cổ phần của Hapro sẽ được chào bán với giá khởi điểm 12.800 đồng vào 30/3. Như vậy, nếu bán hết số cổ phần này tại phiên IPO, Hapro dự kiến thu về tối thiểu 972,8 tỷ đồng.
Mặc dù Hapro đang chuẩn bị những công việc trước thềm IPO, tuy nhiên nhìn vào thực tế cho thấy phần nào “tiềm lực” của Hapro với việc đang “áng ngữ” hàng loạt mảnh đất vàng tại Thủ đô Hà Nội.
Loạt “đất vàng” tại Hà Nội mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: Số 19-21 Đinh Tiên Hoàng diện tích đất 280 m2; số 135 Lương Đình Của diện tích đất 1.843 m2; C12 Thanh Xuân Bắc diện tích đất 1.780 m2; D2 Giảng Võ Ba Đình diện tích 1.230 m2.
Có thể kể đến một số dự án như: Dự án 11B Cát Linh với diện tích 17,720m2, đây là tòa nhà cao 15 tầng và 2 tầng hầm, 1 tầng mái, gồm có 5 tầng thương mại, 10 tầng văn phòng cho thuê và trụ sở Hapro. Hiện đang cho 3 Cty thuê lại, trong đó có Vietcombank.
Tòa nhà số 362 Phố Huế, có diện tích đất hơn 618m2, diện tích nhà hơn 3.376m2 gồm có 7 tầng cao và 1 tầng hầm, đang cho một ngân hàng thuê.
Dự án TTTM, văn phòng số 5 Lê Duẩn, đây là một dự án khá tai tiếng do Hapro hợp tác với Được triển khai xây dựng từ năm 2010 trên diện tích 1.624m2. Mặc dù gần 10 năm thi công, hiện tại công trình đang xây thô đến tầng thứ 15.
Ngoài ra, quỹ đất mà Hapro gián tiếp quản lý và sử dụng cũng khá lớn. Phần lớn quỹ đất này do các Công ty con, Công ty liên kết mà Hapro nắm phần lớn vốn góp. Trong đó, đáng chú ý là khu đất số 10B Tràng Thi (Hoàn Kiếm) rộng 1.800m2
Bên cạnh đó, các cơ sở nhà, đất do Hapro gián tiếp quản lý còn có 11 cơ sở nhà đất của Công ty CP Đầu tư Long Biên và 8 khu mặt bằng thương mại của Hapro Holdings. Cùng với đó là hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2.
Mặc dù, Hapro đang sở hữu quỹ đất thuê của Nhà nước khổng lồ, từ trung tâm nội thành Hà Nội cho đến ngoại thành và các tỉnh lẻ… cùng với đó Công ty này cũng đang quản lý vận hành nhiều chợ đầu mối, hệ thống siêu thị cũng cấp thực phẩm và tiện ích cho người dân Thủ đô.
Trước thềm chào bán cổ phần lần đầu (IPO) Hapro được nhiều nhà đầu tư mong ngóng. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, dù Hapro có quỹ đất thuê lớn có nghĩa chi phí bỏ ra sẽ không hề nhỏ và những rủi ro trong quản lý và điều chỉnh chính sách.
Bài toán đặt ra là chủ mới của Hapro sẽ tận dụng lợi thế như thế nào để có thể khai thác được tiềm năng của Công ty này. Trong khi đó những năm gần đây, Hapro liên tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp, tinh giản bộ máy, lợi nhuận sau thuế của Hapro năm vừa qua cũng chỉ vài chục tỷ đồng.
Theo Báo xây dựng
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.
Trả lời