Nằm tại vị trí đất vàng ở quận 1 và quận Bình Thạnh nhưng “số phận” dự án 164 Đồng Khởi và khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (Tp.HCM) khá long đong, lận đận. Nhà đầu tư trong nước không kham nổi, nhiều nhà đầu tư ngoại nhưng cũng không trụ được lâu.
Những cuộc đàm phán đất vàng bất thành
Dự án 164 Đồng Khởi (quận 1) hiện là trụ sở của Sở Văn hóa – Thể thao Tp.HCM. Đây là một trong 20 “khu đất vàng” tại trung tâm quận 1 được UBND Tp.HCM công bố mời gọi đầu tư năm 2007. Dự án này ngay lập tức được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Sở Kế hoạch – Đầu tư Tp.HCM cho biết, năm 2009, khu đất này thu hút tới 70 nhà đầu tư, trong đó có liên danh hai công ty Sumitomo Realty & Development Co.,Ltd (Nhật Bản) và Hongkong Land International Holdings Limited (Vương quốc Anh).
Năm 2013, Thủ tướng chấp thuận lựa chọn liên danh này và sau đó, Tp.HCM đã lập tổ công tác liên ngành để thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về các tiêu chí lập hồ sơ và đầu tư dự án.
Theo đó, 2 tiêu chí chính mà thành phố đưa ra là: thành phố dự kiến tiền thuê đất và chi phí bồi thường GPMB khoảng 3.412 tỷ đồng (khoảng 170 triệu USD). Riêng tiền thuê đất trả một lần cho 50 năm sẽ được xác định tại ngày bàn giao đất thực tế hoặc thời điểm có quyết định giao đất. Tiêu chí thứ hai là nhà đầu tư phải thực hiện đúng chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt. Tuy nhiên, văn bản của UBND thành phố báo cáo Thủ tướng ngày 5/10/2015 cho thấy, liên danh yêu cầu Tp.HCM phải cố định chi phí bồi thường GPMB và xác định rõ thời gian bồi thường GPMB xong. Văn bản nêu, nhà đầu tư yêu cầu xác định rõ tổng chi phí bồi thường, thời hạn cụ thể bàn giao đất, xem xét lại các chỉ tiêu quy hoạch theo hướng tăng thêm chiều cao công trình để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho dự án. Trong đó, thành phố phải đáp ứng được hai nội dung trên.
Nhưng theo báo cáo của tổ liên ngành, do quá trình thương thảo, bồi thường với các hộ dân thường rất phức tạp nên việc ấn định mức giá cố định trong toàn bộ quá trình thực hiện và hoàn thành dự án là không thể thực hiện được. Các chi phí trong phương án bồi thường chỉ là dự kiến, có thể phát sinh thêm trong quá trình thỏa thuận bồi thường.
Về thời gian bàn giao, thành phố cũng “chỉ có thể dự kiến, còn xác định cụ thể cố định để hoàn thành việc bồi thường GPMB là không thể. Vì trong quá trình thực hiện, chỉ cần một hộ dân khiếu kiện cũng dẫn tới việc bồi thường GPMB bị kéo dài”.
Khu đất vàng 164 Đồng Khởi (quận 1) vẫn “ế” |
Tp.HCM cũng không chấp thuận việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch theo mong muốn của liên danh do không xác định được tiền bồi thường và thời gian bàn giao mặt bằng. Do đó, liên danh hai nhà đầu tư đến từ Anh và Nhật Bản đã quyết định rút lui.
Trường hợp tương tự là khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) sau hơn 25 năm quy hoạch “treo” và “đỏ mắt” tìm nhà đầu tư. Năm 2015, UBND thành phố quyết định công nhận chủ đầu tư dự án này là liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và một đại gia BĐS đến từ Trung Đông là Tập đoàn Emaar Properties. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vì đàm phán bất thành nên đại gia ngoại cũng phải rút lui. Trong đó, nguyên nhân chính là thành phố vẫn không xác định được tổng tiền chính xác để bồi thường, GPMB là bao nhiêu và thời gian bàn giao mặt bằng.
Nhà đầu tư xin rút lui khỏi dự án đất vàng
Về việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án sau một thời gian nghiên cứu, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Tp.HCM giải thích, nhà đầu tư luôn yêu cầu phải có đất sạch và đơn giá đất cụ thể trong quá trình đàm phán. Hơn nữa, các thủ tục đầu tư phải nhanh gọn, trong khi quy định hiện nay rất mất thời gian nên họ xin rút lui.
Thẳng thắn nhìn nhận tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội Tp.HCM 7 tháng đầu năm 2017, Chánh văn phòng UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho biết, việc nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi dự án như dự án 164 Đồng Khởi hay Bình Quới – Thanh Đa không phải là ngoại lệ. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố là đã có sẵn tiền, họ muốn đầu tư ngay, nghĩa là phải có đất sạch chứ không phải lúc đó mới đi bồi thường, tiền bồi thường cũng phải có những con số cụ thể. Ông Hoan nói: “Khi nào giao đất sạch? Chốt bao nhiêu tiền bồi thường GPMB? Người ta đã hỏi những câu mà mình không trả lời được. Người ta đi vào đi ra miết, thấy khó khăn quá nên thôi”.
Tại trung tâm thành phố, một số khu “đất vàng” khác được đầu tư bởi nhà đầu tư trong nước cũng bị “treo” nhiều năm do không giải tỏa mặt bằng xong. Điển hình như dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh được đầu tư bởi Tập đoàn Bitexco. Từ năm 2000, UBND Tp.HCM đã có chủ trương giải tỏa, chỉnh trang khu Mả Lạng. Năm 2007, Tập đoàn Bitexco được công nhận chính thức là chủ đầu tư dự án 6,8ha với gần 1.500 hộ dân này. Tuy nhiên, dù 10 năm trôi qua, chính quyền vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để bồi thường.
Đến đầu năm 2017, UBND Tp.HCM giao Sở Tài nguyên & Môi trường rà soát pháp lý, phối hợp với quận 1 thu hồi đất, bồi thường GPMB của dự án. UBND Tp.HCM cũng chỉ đạo quận 1 chủ trì, phối hợp với Bitexco và các đơn vị liên quan khẩn trương bồi thường, GPMB, thu hồi đất, điều tra khảo sát lập phương án tái định cư trong quý II. Đến nay đã hết quý II nhưng quận 1 vẫn chưa triển khai công tác bồi thường dự án này.
BTV Thanh Hà
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.
Trả lời