Gấp rút tìm giải pháp thay thế, chủ động tiếp cận gói hỗ trợ, thay đổi chiến lược kinh doanh… là những điều mà doanh nghiệp bất động sản cần làm để tồn tại trong đại dịch COVID-19.
Theo nhìn nhận của các nhà tư vấn chiến lược và tổ chức kinh tế thế giới, dịch bệnh có thể còn kéo dài và ảnh hưởng không nhỏ đến các nước và doanh nghiệp kinh doanh trên toàn cầu.
Ngày nào các nhà khoa học chưa tìm ra vắc xin phòng chống dịch thì chắc chắn tình trạng phong tỏa, hạn chế tiếp xúc và các hoạt động giao thương kinh doanh vẫn phải hạn chế và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành bất động sản.
Anh P. một chủ đầu tư bất động sản cho thuê tại Đà Nẵng cho hay: Thị trường bất động sản nơi này thời gian qua rất sôi động, sốt đất diễn ra nhiều nơi, nhiều dự án mới được triển khai chào bán thông qua các công ty dịch vụ, môi giới. Đây cũng là thời điểm vàng son của bất động sản khi mỗi ngày đều có vài công ty địa ốc ra đời, không biết vốn các công ty đó như thế nào nhưng qua đợt dịch vừa rồi, số lượng đóng cửa và trả mặt bằng rất lớn.
“Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của công ty, mặc dù tôi đã chủ động giảm giá và nhiều trường hợp còn giảm tiến độ đóng tiền để hỗ trợ nhưng không ăn thua” – Anh P cho biết.
Chia sẻ giải pháp tồn tại, Công ty tư vấn JLL đề xuất kế hoạch cho các doanh nghiệp bất động sản ứng phó theo phương án chia nhỏ từng giai đoạn: Từ 1 – 2 tuần các doanh nghiệp cần thành lập một nhóm phản ứng khẩn cấp và tìm ra giải pháp duy trì hoạt động kinh doanh, liên tục phân tích dữ liệu nghiên cứu các rủi ro ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ở giai đoạn từ 3 – 4 tuần sau đó, doanh nghiệp cần theo dõi và đánh giá tình hình liên tục, tăng cường công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa, tập trung quản lý vận hành ở các vị trí quan trọng. Các giai đoạn trung hạn kéo dài từ 1-3 tháng, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định, giảm tương tác với khách hàng, tập trung vào phương thức làm việc từ xa và chú ý đến những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Công ty DKRA ví von, doanh nghiệp như một người đi đường đang tạm nghỉ, tranh thủ “xốc” lại hành lý, tư trang. Các chủ đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch theo từng giai đoạn ngắn hạn. Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động.
Theo số liệu của Phòng đăng ký kinh doanh Đà Nẵng, tỉ lệ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn đa phần đều thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn điều lệ không lớn và hoạt động chủ yếu dựa vào phân phối lại, môi giới các dự án. Chính những điều này đã phần nào hạn chế rất nhiều năng lực quản lý doanh nghiệp.
Thực tế thời gian qua về phía nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tổ chức đào tạo các khóa học về quản lý doanh nghiệp, chứng chỉ hành nghề, năng lực kinh doanh… tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp này phải tự mình cơ cấu để phù hợp với từng thời kỳ phát triển.
Theo Tạp chí Tài chính
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật
Trả lời