Tại diễn đàn “Đầu tư Bất động sản 2019: Rủi ro và cơ hội” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức mới đây, giới chuyên gia nhận định đất nền ven biển không phải là kênh đầu tư bền vững và khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng.
Cẩn trọng với đất nền ven biển
Theo báo cáo tổng hợp của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đang bùng nổ nguồn cung đất nền ven biển. Chỉ riêng trong năm 2018, tổng nguồn cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân ở các dự án trong năm 2018 đạt khoảng 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường.
Nhận định về hiện tượng này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, bất động sản nghỉ dưỡng chứng kiến sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi. Nhiều doanh nghiệp lớn đổ bộ vào các tỉnh có tiềm năng du lịch biển với các dự án quy mô lớn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ ăn theo làn sóng đầu tư của các ông lớn, tìm đến các thị trường đó với hướng đầu tư là mua đất, phân lô bán nền. Một số địa điểm tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên… là tâm điểm của những cơn sốt, đất tăng giá chóng mặt chỉ trong thời gian ngắn.
“Rất nhiều nhà đầu tư liều lĩnh, họ xuống tiền với cả đất bãi biển, trong khi đã có quy định phạm vi 100m từ bãi biển trở vào không được xây dựng. Họ mua cả đất vườn, đất nông nghiệp không rõ ràng pháp lý. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần có biện pháp trước thực trạng này. Ví dụ như câu chuyện chính quyền đã dừng giao dịch đất Bắc Văn Phong khi thị trường nhiễu loạn và mới cho giao dịch trở lại”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nam cũng khuyến nghị không nên đầu tư vào đất nền tại các tỉnh ven biển, tránh rủi ro về pháp lý và kinh tế: “Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng, nên tránh đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn. Đây là những kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”.
Người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng nên kiểm soát các khoản vay về đầu tư vào đất nền. Việc mua đất ngâm đó chờ thời cơ tăng giá sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch LP Group cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng, rằng đất nền ven biển không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững. Xu hướng đầu tư lướt sóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như: rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; rủi ro do mua phải đất không rõ ràng pháp lý. Ngoài ra, một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch….
Cần cấm phân lô bán nền
Cũng tại diễn đàn, giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung cần cấm phân lô bán nền. Giáo sư cho rằng đây là lúc Chính phủ nên trở lại với chính sách từng thực hiện vào năm 2004: cấm chia lô bán nền.
Nguyên tắc của đầu tư bất động sản là phải đầu tư vào đất để sinh lợi nhưng trên thực tế rất nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư chỉ nhận đất với mục đích phân lô bán nền,làm nhiễu loạn thị trường. Xu hướng đầu tư này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế, bởi lẽ dòng tiền đầu tư vào đất sẽ chỉ sinh lợi cho nền kinh tế khi tạo lập được tài sản trên đất.
Một thực trạng trái ngược giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phát triển, là tại các nước có thị trường bất động sản phát triển mạnh, bền vững thì phân lô bán nền là một giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, phân lô bán nền là một trong những sản phẩm “hot” của thị trường.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, hàng loạt dự án ma, khu đô thị hoang hóa là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng phân lô bán nền tràn lan. Ngay cả các dự án đất nền thật cũng không có vai trò, ý nghĩa với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngay lúc này, không cần phải cân nhắc, Nhà nước cần cấm phân lô bán nền.
Theo Diễn đàn đất đai
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật
Trả lời