Hàng trăm chung cư ở TP.HCM không có hệ thống phòng cháy. Hầu hết 474 chung cư cũ không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Cụ thể, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), số liệu thống kê đến tháng 09/2016, toàn thành phố có 1.037 chung cư; Có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng. Trong đó, có 15 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng (cấp D). Từ năm 2012 cho đến tháng 09/2016, toàn thành phố đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng ngày 30/3, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, đã nêu hàng loạt sai phạm điển hình, có thể dẫn đến mất an toàn PCCC.
Thứ nhất, nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu dành đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố.
Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được… Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại để chữa cháy nhà cao tầng, như 02 xe thang chữa cháy về lý thuyết có thể vươn đến tầng 18 tương đương 56m, nhưng trong thực tế nếu xảy ra cháy thì có thể tầm với sẽ thấp hơn do khó tiếp cận mục tiêu.
Thứ 2, nhiều chung cư nhà ở tái định cư; chung cư nhà ở xã hội, và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng. Trong đó, công trình phòng cháy, chữa cháy chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy, như: Có chung cư, hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục “báo cháy giả”, nên cư dân có thói quen “bình thản” khi nghe báo cháy, mà nếu xảy cháy thật, thì rất nguy hiểm; Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị “làm phiền”; Cửa ngăn khói các tầng bị chèn, mở thông, để tiện đi lại mà nếu xảy cháy thì không còn tác dụng ngăn khói xâm nhập; Lối thoát hiểm một số chung cư bị chiếm dụng, không còn tác dụng thoát hiểm khi xảy cháy;
Thứ 3, một số chủ đầu tư chưa (hoặc không) thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa dân vào ở, như Chung cư Bảy Hiền Tower, số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình, năm 2016 đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở, trong tình trạng chung cư đang thi công dở dang, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Thứ 4, theo pháp luật quy định, chung cư, nhà cao tầng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu bàn giao đạt yêu cầu. Trong đó, có hạng mục công trình phòng cháy chữa cháy, và phải được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo định kỳ. Nhưng có một số chủ đầu tư, Ban Quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư chưa làm đầy đủ trách nhiệm trong công tác thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy để đảm bảo vận hành bình thường, đúng công suất theo thiết kế đã được thẩm duyệt, nhất là các trường hợp đã được cơ quan PCCC kiểm tra, lập biên bản khuyến nghị, yêu cầu, như trường hợp Chung cư Carina Plaza;
Thứ 5, cơ quan Cảnh sát PCCC có quyền kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hoặc bất thường đối với nhà chung cư. Nhưng trên thực tế, công tác này có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm đối với chủ đầu tư trong việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra.
Thứ 6, nhiều nhà chung cư cho đến nay vẫn chưa thành lập được Ban quản trị theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cư dân và tạo điều kiện để thực hiện tốt công tác PCCC. Một số Ban quản trị nhà chung cư chưa có đầy đủ kiến thức và năng lực quản lý nhà chung cư, trong đó, có kiến thức và năng lực quản lý về PCCC theo quy định của Luật Nhà ở. Đây là vấn đề lớn, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý nhà chung cư, trong đó, có kiến thức và kỹ năng về PCCC trong thời gian tới;
Thứ 7, một số đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư cao tầng chưa có năng lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Nhà ở, nên đã quản lý lỏng lẻo, tùy tiện, không chuyên nghiệp, nên khi có sự cố cháy xảy ra thì không xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như vụ cháy Chung cư Carina Plaza vừa qua (Khi phát cháy xe gắn máy Attila, nếu xử lý dập lửa ngay trong 09 phút đầu tiên, có thể chỉ bằng 01 bình chữa cháy nhỏ thì đã không gây hậu quả nghiêm trọng như vậy);
Thứ 8, vai trò quản lý nhà nước của Chính quyền địa phương về công tác PCCC, trực tiếp là Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn là rất quan trọng theo quy định của Luật PCCC, trong đó, có vai trò của lực lượng dân phòng của khu phố, lực lượng tình nguyện PCCC trong chung cư, khu dân cư, để thực hiện nguyên tắc “03 tại chỗ”, nhưng chưa được phát huy.
Thứ 9, nhiều hộ dân sống trong chung cư và cả những người làm việc, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu nhà cao tầng chưa nhận thức đầy đủ về công tác PCCC, và nhất là chưa được huấn luyện kỹ năng PCCC, thoát nạn, cứu hộ, chưa được tham gia diễn tập PCCC.
Cũng theo ông Châu, quy định tại khoản (2.c) điều 18 Nghị định 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì Cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ hàng quý đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, trong đó, có nhà chung cư. Nhưng trên thực tế, quy định này có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất là khâu hậu kiểm việc chấp hành khuyến nghị, yêu cầu của Cảnh sát PCCC sau khi kiểm tra.
Theo Vietnamnet
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật
Trả lời