Năm 2017, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đạt xấp xỉ 129 tỉ đô la, tăng trưởng 11% so với năm trước. Tuy nhiên, việc trung tâm thương mại Parkson Flemington đóng cửa cũng là lời cảnh tỉnh cho hàng loạt trung tâm thương mại “bánh vẽ” đang tiếp tục được đưa vào các dự án mới.
Mô hình bán lẻ đã qua thời đỉnh cao
Trước khi chính thức đóng cửa, Parkson Flemington (quận 11, TP.HCM) đã có một thời gian dài hoạt động cầm chừng. Đây là trung tâm thương mại thứ 2 tại TP.HCM của hệ thống này đóng cửa, trong khi các trung tâm khác tại Hà Nội đã ngưng hoạt động từ trước đó.
Theo Trưởng bộ phận Bán lẻ của Savills TP.HCM Phạm Thái Bình, câu chuyện của Parkson đã đánh dấu bước chuyển quan trọng của mô hình bán lẻ, khi mô hình được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng.
“Nếu chỉ xét trường hợp của Parkson thì đúng là họ đã có những tháng năm rực rỡ tại Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2010. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store (bách hóa tổng hợp) bắt đầu bộc lộ vài nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (trung tâm mua sắm) xuất hiện, sở hữu đa chức năng từ mua sắm đến giải trí”, ông Bình nhận định.
Ông Bình phân tích, hành vi, thói quen lẫn năng lực, sở thích tiêu dùng của khách hàng tại các khu vực đều khác nhau. Điều này ảnh hưởng mạnh đến việc vận hành của Department Store, vốn tuân thủ những nguyên tắc nhất định, khó thay đổi.
Mặt khác, sự giới hạn về diện tích (thường dưới 20.000m2) cũng là một điểm khó của mô hình Department Store do không đủ để tối đa hóa, khai thác tiện ích đi kèm bên cạnh mặt hàng kinh doanh chính là thời trang và mỹ phẩm…
“Với diện tích từ 45.000m2 đến hơn 60.000m2, mô hình Shopping Mall (trải nghiệm mua sắm cộng thêm khu vực ăn uống, làm đẹp, siêu thị thậm chí cả trường học, ngân hàng…) trở thành lựa chọn của không chỉ riêng tín đồ mua sắm mà còn thỏa mãn các nhu cầu giải trí của các gia đình, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại vẫn còn phải đối diện với thị phần hàng xách tay từ những kẽ hở mang tính cục bộ không chính ngạch. Những nguyên nhân trên đã góp phần tạo nên sự dịch chuyển rõ rệt của người tiêu dùng từ Department Store sang Shopping Mall”, ông Bình nói thêm.
Vẫn còn nhiều trung tâm thương mại “bánh vẽ”
Không chỉ riêng Parkson, tại TP.HCM, những năm trở lại đây, nhiều trung tâm thương mại cũng rơi vào tình trạng vắng khách dù đã liên tiếp áp dụng chương trình khuyến mại.
Đơn cử như Thuận Kiều Plaza (quận 5), dù tọa lạc tại khu vực sầm uất nhất quận 5, gần khu Chợ Lớn với 4 mặt giáp những tuyến đường lớn nhưng hoàn toàn vắng bóng người. Sau nhiều năm kinh doanh thất bại, Thuận Kiều Plaza mới đây đã bị bán lại cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đổi tên thành The Garden Mall…
Kể từ khi đổi “vận”, trung tâm thương mại này mới bắt đầu “hồi sinh” khi các thương hiệu bán lẻ, ẩm thực quay trở lại. Không khí mua bán sôi động đang dần thế chỗ cho cảnh vắng lặng, đìu hiu trước đây và giá thuê mặt bằng thương mại cũng tăng lên đáng kể.
Tương tự, tại Union Square, dù sở hữu 4 mặt tiền đường cực kỳ đắt đỏ tại quận 1 nhưng trung tâm thương mại này lại gần như im hơi lặng tiếng trong cả năm qua. Nguyên nhân là do chủ sở hữu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quyết định đóng cửa để tái thiết kế nhằm thu hút các thương hiệu bán lẻ.
Tương tự, các trung tâm thương mại như Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza, Diamond Plaza, Lotte Mart… cũng rời vào tình trạng kinh doanh cũng không mấy thuận lợi. Khách tới đây chủ yếu tập trung tại khu vui chơi, ăn uống, còn khu vực bán các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng cao cấp đều rất vắng khách.
Đáng chú ý, trong khi các trung tâm thương mại hiện hữu đang buôn bán khó khăn, ế ẩm thì hàng loạt trung tâm thương mại mới vẫn tiếp tục được xây dựng ở các khối đế của nhiều dự án nhà ở.
Theo CBRE Việt Nam, tính chung cho năm 2017, toàn thị trường có đến 7 dự án với 74.183 m2, nâng nguồn cung bán lẻ hiện hữu tại TP. HCM là 820.840 m2. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, thị trường sẽ có khoảng 13 trung tâm thương mại được đưa vào vận hành, cung cấp thêm tới 638.082m2 diện tích cho thuê.
Bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện nay, mỗi tòa nhà là một trung tâm thương mại, thậm chí trên là khách sạn, dưới cũng là trung tâm thương mại. Việc đầu tư hàng loạt dự án căn hộ có đế thương mại là không phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh lại nói rằng, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư đều muốn có trung tâm thương mại dưới khối đế của mỗi dự án nhằm dễ dàng bán hàng.
“Hiện nay, thị trường có rất nhiều trung tâm thương mại đang mở rộng sự hiện diện tại những khối đế của nhiều dự án nhà ở. Thế nhưng, xét ở góc độ của các chủ đầu tư, việc có thêm trung tâm thương mại giống như có thêm một tiện ích như hồ bơi, shophouse, trường học hay siêu thị.
Ở góc độ của người khai thác trung tâm thương mại thì họ có thể thua lỗ và ngưng khai thác. Thế nhưng, ở phía chủ đầu tư, họ có thể cho người khác vào thuê nếu chủ trước bị thua lỗ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư cho trung tâm thương mại thành tiện ích để giúp dự án dễ bán hàng và tăng giá bán”, ông Chánh nhận định.
Theo Vietnamnet
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.
Trả lời