Kết thúc nửa đầu năm, thị trường bất động sản đón nhận những dòng vốn mới cả trong nước và nước ngoài chảy vào thị trường. Dự kiến, dòng vốn này sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản thông qua hoạt động mua bán, chuyển nhượng (M&A) trong những tháng cuối năm.
Vốn ngoại vẫn chảy mạnh vào thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam được cho là hấp dẫn để rót vốn đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính của thị trường.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang bùng nổ khi số lượng doanh nghiệp ngành này gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó, dòng vốn ngoại cũng tiếp tục chảy mạnh vào thị trường.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới trong 7 tháng đầu năm tăng thêm đạt 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, BĐS đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 1,15 tỷ USD, chiếm gần 6% tổng vốn FDI đăng ký mới.
Tính đến cuối tháng 7/2017, nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào 619 dự án BĐS còn hiệu lực triển khai tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 51,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 cũng chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A có bóng dáng của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị hàng trăm triệu USD, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Á.
Điển hình, trong Quý II/2017, hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hankyu Realty đến từ Osaka và Nishi Nippon Railroad đến từ Fukuoka cùng phát triển dự án Mizuki Park với quy mô 26ha, tổng giá trị 8.000 tỷ đồng. Hình thứ hợp tác là góp vốn theo tỷ lệ 50:50. Được biết, đây là lần thứ 4 Nishi Nippon Railroad rót vốn.
Dòng vốn ngoại tiếp tục chảy mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam. |
Tháng 5 vừa qua, EXS Capital tiếp tục rót 100 triệu USD. Đây là lần hợp tác thông qua Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund, sau thành công của đợt huy động vốn đầu tư 37 triệu USD lần đầu vào năm 2013.
Cuối tháng 6/2017, Indochina Capital cũng đã rót vốn vào Toong – công ty xây dựng chuỗi không gian làm việc chung. Mặc dù không công bố con số góp vốn, song theo Indochina Capital, khoản đầu tư mới này sẽ giúp Toong cung cấp thêm nhiều môi trường, không gian làm việc cho các công ty và cá nhân làm việc tại Việt Nam…
Chờ dòng vốn đổ bộ qua hình thức M&A
Các chuyên gia nhận định, từ giờ tới cuối năm, thị trường sẽ đón nhận những dòng vốn mới đổ bộ vào thị trường thông qua hình thức M&A và “cục nam châm” hút dòng vốn sẽ đến từ hàng trăm dự án tạm ngưng triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng.
Ghi nhận thị trường trong những năm gần đây cho thấy, dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường bất động sản thông qua hoạt động M&A tăng dần đều từ năm 2013 đến nay. Trong đó, dòng vốn đổ vào doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang dần hình thành rõ mục đích của nhà đầu tư rót vốn, đó là ưu tiên những doanh nghiệp có quỹ đất lớn và kinh nghiệm trên thị trường.
Theo thông tin từ CBRE, đầu năm 2017 tới nay, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới các nhà phát triển BĐS của Việt Nam vì các doanh nghiệp trên đang sở hữu những dự án, quỹ đất có vị trí đắc địa, tiềm năng phát triển lớn.
Trong đó, một số phân khúc đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là bán lẻ, nghỉ dưỡng và nhà ở. Với lĩnh vực nghỉ dưỡng, hiện các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tập trung vào việc phát triển các khách sạn 4 sao hay 5 sao, mà còn đầu tư vào các giao dịch vận hành khách sạn.
Còn ở thị trường mặt bằng bán lẻ, việc thị trường Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi bán lẻ lớn của thế giới đang tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư mặt bằng bán lẻ.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do nhiều nguyên nhân như sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, thu nhập của người dân ngày càng gia tăng, những thuận lợi về cơ cấu dân số.
BTV Hà Nam
Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.
Trả lời