Sửng sốt cấm giao dịch khi giá đất tăng hơn 100 lần ở Bắc Vân Phong

Sửng sốt cấm giao dịch khi giá đất tăng hơn 100 lần ở Bắc Vân Phong. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế kỷ CEN Group đưa ra thông tin giật mình về giá đất qua khảo sát ở Bắc Vân Phong.

Liên quan đến việc vừa qua 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang đã có lệnh tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng đất ở các địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế khi thị trường bống lên cơ sốt, giá tăng mạnh… các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục có những ý kiến chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế kỷ CEN Group cho biết, chúng ta đang cố gắng tuân thủ quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Vì thế, việc phải tôn trọng quy tắc thị trường, quy luật cung cầu là rất quan trọng điều tiết toàn bộ các hành vi, giá cả, luồng tiền của các nhà đầu tư.

Sửng sốt cấm giao dịch khi giá đất tăng hơn 100 lần ở Bắc Vân Phong

“Quy luật cung cầu sẽ quy định tất cả. Nếu nguồn cung đủ, cân bằng với cầu thì đạt mức bình ổn nhất định. Thiếu hoặc thừa sẽ ảnh hưởng đến thị trường. Nếu chúng ta hiểu được quy luật biến động thị trường thì bao giờ trạng thái cân bằng này là trạng thái cân bằng động và rất mong manh, tồn tại trong thời gian ngắn. Thiếu thì sẽ bổ sung, bổ sung quá đà thì sẽ thừa, đó là quy luật hình sin.

Bất kỳ thị trường nào như chứng khoán, vàng bạc đá quý, ngoại tệ, bất động sản đều biến thiên và may mắn kinh tế thị trường không biến thiên một cách tuyến tính. Cái hay ở đây là biến thiên theo chu kì hình sin, không cùng pha, không cùng biên độ nên có lúc chứng khoán lên, bất động sản xuống, và có khi bất động sản xuống thì vàng bạc, ngoại tệ lên…”, ông Hưng phân tích.

Phó Chủ tịch CEN Group cho rằng: Chúng tôi có muốn thay đổi quy luật thị trường cũng không được. Quy luật thị trường vận động một cách khách quan vì vậy chúng tôi sẽ chỉ có thể tư vấn thời điểm cho các nhà đầu tư tham gia hay rút khỏi thị trường. Nếu chúng tôi có thể làm tăng được thị trường bằng cách “thổi giá” nào đó thì một lực lượng nào đó đặc biệt là Nhà nước sẽ bằng hàng loạt các công cụ vĩ mô, bằng chính sách cũng có thể làm được. Nhưng thực tế nhà nước không thể kiểm soát được bởi đã gọi là quy luật khách quan thì không thể có thế lực nào can thiệp được.

Ông Hưng đưa ra dẫn chứng về việc đã có khảo sát khá chi tiết giá đất ở Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và giá đất ở đó đã tăng hơn 100 lần mỗi mét vuông trong thời gian 2 năm qua.

Cụ thể, từ 200.000 đồng/m2 ở khu tái định cư thị trấn Tuần Lễ, một mảnh đất ở mặt tiền 10 m sâu 20m, 2 năm trước có giá 40-50 triệu đồng/lô, năm 2017 tăng lên 400 triệu đồng (gấp 10 lần) và năm nay vẫn mảnh đất đó đã có giá 5,5 tỷ đồng.

“Toàn bộ thị trấn đó có khoảng 3.000 hộ dân, tất cả 111.000 ha nằm trong quy hoạch chưa biết ở đâu. Câu chuyện có từ năm 2006 có chủ trương, 2009 có quy hoạch sơ bộ, 2017 có điều chỉnh, 2018 chuẩn bị phê duyệt thì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy sản phẩm của bất kỳ một dự án nào hay khu đô thị, đất đai nào cùng ra thị trường để đáp ứng cơn khát của các nhà đầu tư. Thiếu cung tăng giá là chuyện bình thường”, ông Hưng nói.

Tương tự, với Vân Đồn nghe phong phanh có quy hoạch trong khi nguồn cung chưa có thì tăng giá là chuyện dễ hiểu.

“Tôi cho rằng vẫn là yếu tố quan hệ cung cầu. Nếu chúng ta tác động vào yếu tố khách quan, cung cầu đó bằng việc minh bạch nguồn cung cho nhiều nhà đầu tư phát triển khu đã sơ bộ quy hoạch rồi trước khi đưa ra những quyết định phê duyệt về chủ trương, luật, chính sách ưu đãi với đặc khu thì sẽ kiểm soát tình hình này tốt hơn nhiều so với việc để thị trường tự động tăng giá, tự động khan hiếm một cách thiếu kiểm soát như thế này”, ông Hưng nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Reenco Sông Hồng lại cho rằng, 3 đặc khu vừa qua lên giá là hiện tượng đáng mừng, tiềm năng lớn, cơ hội lớn, tín hiệu tốt. Chính nhà đầu tư trong nước làm mồi cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Tỉnh Quảng Ninh ra quyết định ngừng giao dịch. Nói về giải pháp thì đây không phải giải pháp tốt bởi chúng ta phải tuân thủ quy luật thị trường, có cung thì có cầu. Chúng ta cần quản lý chặt chẽ về pháp lý, mua bán phải có thuế. Thời buổi hiện nay chúng ta phải hòa nhập với quốc tế. Kinh tế thị trường là kim chỉ nam chúng ta cần tuân thủ”, ông Điệp nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HD MON Holdings cho biết, hiện nay, HD MON Holdings cũng là một trong những nhà đầu tư đầu tiên đầu tư vào Vân Đồn. Một trong những khó khăn của các khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc mà đơn vị này gặp phải đó chính là chưa xong quy hoạch chung mà giá đất bị đẩy lên như vậy sẽ làm khó doanh nghiệp khi họ vào thực hiện đầu tư vào các dự án.

“Kể cả sau này khi tỉnh đứng ra giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, nếu khi giá đất bị đẩy cao lên như vậy, mà nhỡ nhà đầu tư mua phải đất không phải là đất ở mà là khu công viên, hay công trình cây xanh, nhà đầu tư sẽ bị lỗ rất lớn. Chính vì vậy, việc UBND tỉnh ra công văn dừng chuyển nhượng là nhằm bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải là kìm hãm thị trường”, Phó Chủ tịch HD MON Holdings nói.

Theo Infonet

Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 0948 223 827 và số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các Bài Viết Khác