Những chung cư tại Hà Nội có nguồn nước bị ô nhiễm

Câu chuyện ở những chung cư tại Hà Nội có nguồn nước bị ô nhiễm đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Thực trạng này đang gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.

Mulberry Land: Nước sinh hoạt ngả màu vàng, đen

Theo phản ánh của cư dân tòa A và tòa E thuộc tổ hợp chung cư Mulberry Lane do Công ty TNHH CapitaLand Hoàng Thành (CapitaLand Hoàng Thành) làm chủ đầu tư, từ khi bàn giao dự án đến nay gần 4 năm nhưng vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm vẫn chưa được chủ đầu tư xử lý dứt điểm.

Những chung cư tại Hà Nội có nguồn nước bị ô nhiễm

Càng ngày tình trạng nước bẩn, thiếu nước sinh hoạt càng trầm trọng hơn. Gần đây nhất, cuối tháng 12/2017 do quá bức xúc về tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng, cư dân một lần nữa đồng loạt “cầu cứu” các cơ quan chức năng.

Để tự bảo vệ sức khỏe gia đình mình nhiều hộ dân tại đây đã phải tự lắp đặt hệ thống lọc nước riêng để lấy nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Tuy nhiên, các hộ dân cho biết đây không phải là phương án lâu dài bởi chất lượng nước quá bẩn gây tắc hệ thống lọc nên các hộ dân thường xuyên phải gọi nhân viên đến bảo dưỡng hệ thống lọc.

Tân Tây Đô: Nước sinh hoạt có hàm lượng asen vượt chuẩn 3 lần

Theo người dân, đã nhiều năm trôi qua nguồn nước sinh hoạt tại KĐT Tân Tây Đô (Đan Phượng, Hà Nội) bị ô nhiễm nặng.

Qua tìm hiểu, trong giấy công bố kết quả thử nghiệm mẫu nước lấy tại căn hộ 2414- chung cư HHB (mẫu nước lấy ngày 29/9/2017) của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (QUATEST 1) cho thấy rõ, hàm lượng Asen trong nước là 0,03 mg/L. Như vậy, hàm lượng Asen này vượt “chuẩn” nước sinh hoạt theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế là 3 lần.

Theo kết luận thực tế đoàn kiểm tra trạm cấp nước tại nhà máy cung cấp nước cho KĐT Tân Tây Đô, được biết mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ, trong kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành Phèn sắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất…

Khu Đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì): Bọ gậy bơi loăng quăng trong nước

Theo phản ánh của người dân tại Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội), trong thời giai dài, cư dân tại các tòa nhà CT5, CT6, CT15 và CT16 do Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí làm chủ đầu tư phải sống chung với tình cảnh nước bẩn. Nước sinh hoạt xả ra từ vòi đầy cặn, có lúc đen như nước cống, nhiều giun, bọ gậy bơi loăng quăng.

Trước tình trạng phải sống chung với cảnh nước bẩn kéo dài, quá lo lắng một số hộ gia đình đã mang mẫu nước đi kiểm tra, kết quả cho thấy có nhiều thành phần trong nước sinh hoạt tại đây vượt quá quy chuẩn cho phép (theo QCVN 01:2009/BYT).

Việc dùng nguồn nước không hợp để sinh hoạt trong thời gian dài đã khiến nhiều cư dân tại khu đô thị Tứ Hiệp mắc các bệnh ngoài da, đau mắt đỏ…

Chung cư NƠ 7B bán đảo Linh Đàm: Nước bốc mùi hôi thối

Tại chung cư NƠ 7B – Bán đảo Linh Đàm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, theo phản ánh của người dân, ngày 1/3/2017 khi sử dụng nước để nấu ăn đã phát hiện ra mùi hôi thối từ nước bốc lên, sau đó báo cho bảo vệ để thông báo đến tất cả các hộ dân dừng không dùng nước nữa.

Sau khi người dân cùng đơn vị quản lý kiểm tra bể nước sinh hoạt mới phát hiện bể bị nứt nên đã ngấm nước từ bể phốt bên cạnh sang.

Được biết, bể phốt được đặt ngay bên cạnh vị trí bể nước sinh hoạt tòa 7B. Tuy nhiên, tình trạng nước sinh hoạt bị ngấm nước từ bể phốt đã diễn ra từ khi nào và người dân đồng nghĩa phải sử dụng nguồn nước bẩn từ bao lâu thì chưa ai rõ.

KĐT Thanh Hà Cienco 5: Nước có màu vàng đục

Tương tự, tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 (do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư). Các hộ dân nơi đây phản ánh người dân đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy nước sạch Cự Đà cung ứng không đảm bảo vệ sinh. Theo người dân, bằng mắt thường có thể nhìn thấy nguồn nước dùng để sinh hoạt có màu vàng đục.

Tình trạng này nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các thiết bị vệ sinh, quần, áo cũng như sức khỏe đời sống người dân.

Tòa nhà A1CT2 – Tây Nam Linh Đàm

Không chỉ nước bẩn trong sinh hoạt, hệ thống xả thải kém cũng gây ra những lo lắng cho người dân. Tại tòa nhà A1CT2 – Tây Nam Linh Đàm (do Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội – HUDVN làm chủ đầu tư), hệ thống cống thoát nước xung quanh tòa nhà có dấu hiệu ùn tắc cục bộ dẫn đến trào ngược nước thải, rác thải sinh hoạt lên khắp khuôn viên, bốc mùi hôi thối, nồng nặc có nguy cơ gây nhiễm mầm bệnh cho cư dân, nhất là người già và trẻ nhỏ…

Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Nói về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các khu đô thị, ông Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận: Trung tâm Y tế dự phòng cho dù là cơ quan quản lý nhà nước về mặt chất lượng nước nhưng không có thẩm quyền xử lý khi phát hiện những bất thường và sau khi có kết quả chỉ gửi báo cáo cho cấp trên và thông báo cho các đơn vị. Để xử phạt phải là Sở Y tế, còn có cho đơn vị tiếp tục hoạt động hay không lại do Sở Xây dựng.

Được biết, hiện toàn thành phố có 144 cơ sở cấp nước tập trung hoạt động ổn định, cung cấp cho khoảng 67% hộ dân Thủ đô; 33,1% hộ gia đình còn lại sử dụng nguồn nước tự khai thác, tập trung tại khu vực nông thôn. Ngoài ra, còn có 235 đơn vị có bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dịch vụ.

Nhằm đảm bảo chất lượng nước uống, nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân, trong năm 2018, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước hộ gia đình, bể chứa trung gian, chất lượng nước tại 100% bể bơi, khu vui chơi dưới nước có hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế hơn 1.000m3/ngày đêm với tần suất tối thiểu 2 lần/năm; Kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm, tối thiểu 1 lần/năm.

Đặc biệt, Sở Y tế cũng đẩy mạnh thanh tra định kỳ và đột xuất vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước, khu chung cư, chung cư độc lập trên địa bàn thành phố; Kiểm tra tình trạng vệ sinh, chất lượng nước tại các bể chứa nước tại các trạm bơm tăng áp, nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, mỗi trạm bơm tăng áp, khu chung cư hoặc chung cư độc lập, tối thiểu kiểm tra 1 lần/năm.

Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng, tới đây, người dân sống trong chung cư tại Hà Nội sẽ được yên tâm sử dụng nguồn nước sạch, đúng như quyền lợi và nghĩa vụ đóng tiền sử dụng nước sạch của họ.

Theo An ninh tiền tệ

Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các Bài Viết Khác