Doanh nghiệp môi giới bất động sản bùng nổ ở TP.HCM

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 26.614 doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm qua. Cụ thể, doanh nghiệp môi giới bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất với 41,4% (10.912 doanh nghiệp), vốn đăng ký lên đến 148.396 tỷ đồng.

Doanh nghiệp môi giới bất động sản nở rộ

Theo ghi nhận của PV tại phòng đăng ký thành lập công ty mới tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, chỉ trong vòng 3 tiếng buổi sáng đã có hàng trục lượt đăng ký thành lập công ty mới. Trong đó, lĩnh vực liên quan tới ngành bất động sản (BĐS) chiếm số lượng lớn.

Một trong số nhiều người nộp hồ sơ đăng ký thành lập công ty mới cho biết, trước đây anh làm nhân viên môi giới BĐS, sau khi tích lũy được chút vốn, cũng như kinh nghiệm và mối quan hệ, anh quyết định thành lập công ty môi giới riêng.

Nghề này không cần vốn nhiều, có thể khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng công ty, với số lượng nhân viên môi giới là bạn bè rồi hoạt động. Doanh nghiệp sẽ hoạt động sẽ dựa trên việc làm đơn vị môi giới F1 hoặc F2. Tức là mỗi khi dự án mới mở bán, doanh nghiệp sẽ xin bán cùng để hưởng hoa hồng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho hay, các công ty mới thành lập tập trung chủ yếu ở các quận như: quận 1, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Bình Thạnh. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên với 58,4%, tương đương với 15.558 doanh nghiệp, tiếp theo là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chiếm 28,2%, tương đương với 7.515 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh BĐS đăng ký nhiều, song chiếm 95% vẫn là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới BĐS; 5% còn lại là các công ty BĐS lớn, thành lập công ty con để phát triển dự án.

Việc đua nhau thành lập công ty BĐS là điều hết sức bình thường, vì thị trường địa ốc hiện đang phát triển mạnh trở lại. Nhiều chủ đầu tư đang phát triển hàng loạt dự án với hàng ngàn căn hộ. Để bán lượng sản phẩm này, cần một đội ngũ bán hàng lớn, tuy nhiên để nuôi đội quân này thì chủ đầu tư sẽ phải mất khoản chi phí khá cao. Vì vậy, chủ đầu tư sẽ chuyên tâm phát triển dự án, còn việc bán hàng giao lại cho những doanh nghiệp môi giới.

doanh nghiệp môi giới BĐS thành lập mới
8 tháng đầu năm 2017, TP.HCM có thêm hàng nghìn doanh nghiệp môi giới bất động sản được thành lập.

Từ năm 2016 tới nay, phần lớn lượng hàng BĐS mở bán là dòng cao cấp, trong khi thanh khoản dòng sản phẩm này đang chững lại. Bởi vậy, các chủ đầu tư phải ký kết với nhiều doanh nghiệp môi giới để bán hàng cùng lúc, để tạo ra đột phá kinh doanh. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy nhiều doanh nghiệp ngành BĐS thành lập mới.

Phong trào khởi nghiệp được Chính phủ phát động, kèm theo tâm lý làm thuê mãi cũng phải có ngày làm chủ, nên với đội ngũ hàng triệu nhân viên môi giới BĐS hiện nay, việc số lượng doanh nghiệp ngành BĐS thành lập mới hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới BĐS hoàn toàn là điều bình thường.

Không chỉ doanh nghiệp mới thành lập nhiều, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành BĐS của Tp.HCM cũng tăng cao. Dòng vốn này đã dịch chuyển từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, sang các nhà đầu tư Mỹ khi nhà đầu tư Mỹ đã vươn lên đứng đầu trong số các nhà đầu tư FDI tại Tp.HCM.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2017, có 515 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 788,19 triệu USD. Bên cạnh đó, Tp.HCM còn chấp thuận cho 1.418 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn góp đăng ký đạt 1,85 tỷ USD. Trong đó, Mỹ đứng đầu với vốn đầu tư chiếm 31,1% (249,28 triệu USD), tiếp theo là Singaponre với 17% (136 triệu USD)… Vốn FDI vào BĐS chiếm 15,4%, tương đương 123,22 triệu USD.

“Dòng vốn dự kiến sẽ đổ bộ vào thị trường nhiều hơn ở những tháng cuối năm, vì thành phố đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Như vậy, nhà đầu tư được đăng ký đầu tư trực tuyến. Kết quả bước đầu đã có 1.084 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công trong 8 tháng qua, con số này dự kiến sẽ đột biến hơn vào những tháng cuối năm”, ông Ngọc Anh nhận định.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, việc doanh nghiệp ngành BĐS thành lập mới và dòng vốn FDI chảy mạnh vào thị trường địa ốc TP.HCM là tín hiệu đáng mừng. Có thể nói, đây sẽ là đòn bẩy giúp thị trường bứt phá khỏi sức ỳ từ năm 2016 tới nay và sẽ có những dự án tốt hơn, tiếp cận khách hàng dễ hơn.

Song, ông Châu cảnh báo, chính quyền cần có sự cảnh giác cao độ đối với việc doanh nghiệp kinh doanh ngành BĐS thành lập quá nhiều và đa phần là lĩnh vực môi giới, bởi nếu để bủng nổ quá nhanh, sẽ không tốt cho sự ổn định của thị trường. Chẳng hạn, để có doanh thu, những doanh nghiệp ngành môi giới sẽ làm mọi cách bán được hàng, trong đó có những cách bán hàng không tốt, làm cho khách hàng chịu thiệt hại, thậm chí giảm niềm tin vào thị trường và vào chủ đầu tư.

Ông Châu nhấn mạnh, thời gian qua đã có tình trạng này xảy ra, đơn cử như việc hai công ty môi giới là Công ty Kim Phát và Công ty Việt Phát Hưng bị khách hàng tố cáo lừa đảo. Vụ việc này hiện đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế về chức vụ (PC 46) điều tra, làm rõ.

BTV Hà Thanh

Chia sẻ căn nhà của bạn tại đây (kèm thông tin liên hệ) hoặc gọi điện đến số 024 668 73 179. Thông tin cá nhân của bạn đọc sẽ được bảo mật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các Bài Viết Khác